Biểu đồ nến Nhật
Giới thiệu về biểu đồ nến Nhật
Trong trường phái phân tích kỹ thuật, dữ liệu về giá được biểu diễn dưới dạng biểu đồ. Dựa trên biểu đồ giá, các nhà giao dịch áp dụng lên nó những phép phân tích khác nhau và thiết lập chiến lược giao dịch để có thể kiếm lợi nhuận. Nhiều loại biểu đồ phân tích kỹ thuật đã được phát triển, bao gồm: biểu đồ đường, biểu đồ thanh, biểu đồ Point&Figure,… và biểu đồ nến Nhật - biểu đồ phổ biến bậc nhất ngày này mà hầu hết các nhà giao dịch đều sử dụng. Biểu đồ nến Nhật trở nên phổ biến bởi tính hiệu quả, đơn giản và dễ sử dụng mà nó mang lại. Mỗi nến giá được cấu thành từ những mức giá quan trọng trong một khoảng thời gian (khung thời gian), thường là một ngày, bao gồm:
- Giá mở cửa: mức giá tại thời điểm bắt đầu khung thời gian. Ví dụ: mức giá đầu ngày, đầu tuần, đầu tháng,…
- Giá đóng cửa: mức giá tại thời điểm kết thúc khung thời gian
- Giá cao nhất: mức giá cao nhất trong khung thời gian
- Giá thấp nhất: mức giá thấp nhất trong khung thời gian
Phần hình chữ nhật của cây nến được gọi là thân nến, nó đại diện cho sự thay đổi giữa giá mở cửa và giá đóng cửa. Nếu một cây nến có mức giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa, đó là một cây nến tăng và thường có màu xanh lá (hoặc màu trắng). Ngược lại, nếu một cây nến có mức giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa, đó là một cây nến giảm và thường có màu đỏ (hoặc màu đen). Màu sắc của nến có thể coi là một đặc trưng làm nên tên tuổi của biểu đồ nến Nhật so với các lại biểu đồ khác. Hai đường mảnh phía trên và phía dưới của nến được gọi là râu nến (hay còn gọi là bóng nến), đại diện cho những mức giá cực trị trong khung thời gian quan sát. Đỉnh của râu nến phía trên là mức giá cao nhất trong khung thời gian, đáy của râu nến phía dưới là mức giá thấp nhất trong khung thời gian.
Nhà giao dịch không quá khó khăn để đọc thông tin từ mỗi nến giá và có thể phần nào hình dung ra những biến động của giá trong khoảng thời gian đó. Một cây nến nếu có hai râu rất dài và tương đương nhau với một phần thân mỏng (gần như không có) có thể hàm ý một khoảng thời gian giao dịch đầy biến động (giá bị đẩy đến những mức giá cao nhất và thấp nhất rất xa nhau) nhưng lại kết quả cuối cùng lại ở mức cân bằng (giá mở cửa và đóng cửa bằng nhau), cảnh báo sự dịch chuyển mạnh mẽ của giá cổ phiếu sau khi điểm cân bằng bị phá vỡ. Mặc dù việc diễn giải những thông điệp thị trường từ biểu đồ nến rất hấp dẫn, nó cần được thực hiện một cách thận trọng và bao quát để tránh những thiên lệch do cảm xúc và niềm tin sẵn có của nhà giao dịch (chúng ta thường diễn giải sự việc theo hướng ủng hộ niềm tin của chúng ta). Theo tôi, cách tốt nhất là sử dụng những thông điệp này như một thành phần bổ sung cho một hệ thống giao dịch khách quan hơn, thay vì sử dụng như thành phần chính để ra quyết định đầu tư.
So sánh biểu đồ nến Nhật và biểu đồ thanh
Biểu đồ nến Nhật và biểu đồ thanh có nhiều điểm giống nhau, nhất là trong cách thức xây dựng nến và thanh đều sử dụng những thông tin về giá giống nhau. Tuy nhiên, biểu đồ nến Nhật lại có ưu thế hơn biểu đồ thanh trong việc biểu diễn chuyển động giá dưới dạng hình ảnh. Trước đây, khi các nhà giao dịch còn biểu diễn biến động giá trên giấy, việc vẽ màu còn hạn chế, thì các biểu đồ thanh không giúp ích trong việc xác định hướng đi của giá bằng biểu đồ nến Nhật.
Biểu đồ nến Nhật dễ dàng biểu diễn sự khác biệt giữa khoảng thời gian giá tăng và giá giảm
Trong khi biểu đồ thanh gây khó cho nhà giao dịch
Ngoài ra, chính cách hiển thị dạng cột nến gồm thân dày và hai râu của biểu đồ nến Nhật đã khiến nó trở nên trực quan và thú vị hơn biểu đồ thanh. Hình dưới là cùng một dữ liệu về giá được biểu diễn bằng đồ thị thanh và đồ thị nến:
Đồ thị nến Nhật nổi bật và giúp nhà giao dịch nhận diện và tập trung hơn vào những vùng giá biến động bất thường.
Đồ thị thanh vẫn đầy đủ thông tin nhưng lại không tạo ấn tượng khác biệt giữa các vùng, các khoảng biến động giá.
Một số nhà giao dịch cho rằng hình ảnh như thế nào không quan trọng, bởi những phép phân tích không phụ thuộc vào hình ảnh. Tuy nhiên một biểu đồ giá trực quan và sống động sẽ giúp chúng ta nhận ra và ấn tượng ngay những tín hiệu đặc biệt trên thị trường (hãy thử quan sát và chỉ ra những nến có hình dạng đặc biệt trên biểu đồ nến và so sánh với hình dạng của chúng trên biểu đồ thanh)
Phân tích kỹ thuật
Ngày nay rất dễ để mở một tài khoản và trở thành nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán. Nhưng đầu tư như thế nào, đầu tư gì lại một vấn đề kéo dài đối với mỗi nhà giao dịch. Những câu hỏi này đòi hỏi phải có những quan sát và phương pháp tiếp cận để trả lời chúng. Tổng hợp những điều được quan sát và phương pháp phù hợp với quan sát đó được gọi là một trường phái đầu tư. Có 3 trường phái đầu tư chính: Phân tích cơ bản, Phân tích kỹ thuật, và Phân tích định lượng. Bênh cạnh đó, trên thị trường cũng tồn tại một số trường phái đầu tư thiếu tính hệ thống hơn như tích sản, dựa vào ý kiến chuyên gia, tin tức,…. Trong phạm vi bài viết, chúng ta cùng xem xét 3 trương phái chính và tại sao chúng ta nên lựa chọn phân tích kỹ thuật làm trường phái đầu tư cho mình.
Phân tích cơ bản (Fundamental Analysis)
Phân tích cơ bản dựa trên tiên đề cho rằng: mỗi cổ phiếu doanh nghiệp có một giá tài chính nội tại, phụ thuộc vào khả năng kinh doanh của doanh nghiệp đó. Giá trị nội tại này là giá trị hợp lý, tồn tại độc lập với giá cổ phiếu của doanh nghiệp (vốn phụ thuộc vào hoạt động mua bán trên thị trường). Phân tích cơ bản tập trung vào việc đánh giá giá trị thực sự của một cổ phiếu dựa trên các yếu tố tài chính và kinh tế của doanh nghiệp và ngành nghề liên quan. Các nhà đầu tư sử dụng phương pháp này tìm cách xác định giá trị nội tại của cổ phiếu và so sánh nó với giá thị trường hiện tại.
Các yếu tố phân tích chính:
- Báo cáo tài chính (doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền)
- Chỉ số tài chính (P/E, P/B, EPS, ROE)
- Môi trường kinh tế vĩ mô (lãi suất, tỷ giá, lạm phát)
- Hiệu suất hoạt động của ngành.
Mục tiêu: Đầu tư vào các cổ phiếu có giá thấp hơn giá trị nội tại, với kỳ vọng rằng giá cổ phiếu sẽ tăng lên khi thị trường điều chỉnh về giá trị nội tại (mức hợp lý).
Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis)
Phân tích kỹ thuật chủ yếu dựa trên việc nghiên cứu biến động giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ để dự đoán xu hướng giá trong tương lai. Các nhà phân tích kỹ thuật không quan tâm đến giá trị nội tại của cổ phiếu mà tập trung vào hành vi, tâm lý thị trường. Những nhà giao dịch này cho rằng mặc dù cổ phiếu có thể có giá trị nội tại, nhưng giá trị giao dịch của nó hoàn toàn bị quyết định bởi thị trường thay vì biến động quanh một mức giá hợp lý. Một cổ phiếu có thể giao dịch với mức giá cao hơn hoặc thấp hơn giá trị nội tại của nó trong một khoảng thời gian rất dài và không xác định. Điều này khiến cho trường phái phân tích cơ bản mất đi hiệu suất sinh lời cần có của mình. Thay vào đó, những nhà giao dịch theo trường phái phân tích kỹ thuật chỉ tập trung vào biến động giá trị giao dịch, biểu hiện của tâm lý đám đông đang tồn tại trên thị trường. Dựa vào biến động giá, xu hướng và những hình mẫu của nó (kết hợp với khối lượng giao dịch), nhà giao dịch có thể đưa ra những quyết định có lợi thế về dài hạn. Ngày nay phân tích kỹ thuật rất phổ biến một phần do tính chất dễ tiếp cận của trường phái này. Để có thể thực hiện phân tích cơ bản, nhà giao dịch sẽ cần vài năm hoặc nhiều tháng tìm hiểu và quan sát trước khi đưa ra cho mình những quyết định giao dịch đầu tiên. Trong khi đó, nhà giao dịch tìm hiểu phân tích kỹ thuật có thể ra những quyết định giao dịch đầu tiên sau một vài tuần tìm hiểu những khái niệm cơ bản. Trường phái phân tích kỹ thuật lại có vô số những trường phái nhỏ hơn nằm trong đó, dựa trên những bộ công cụ phân tích kỹ thuật khác nhau, cho phép nhà giao dịch tiếp tục chọn trường pháp phù hợp nhất với mình.
Các công cụ phổ biến:
- Đồ thị giá (biểu đồ nến, đường trung bình động, khung thời gian)
- Các chỉ báo kỹ thuật (RSI, MACD, Bollinger Bands)
- Mẫu hình giá (đỉnh kép, đáy kép, tam giác, cờ, v.v.)
- Khối lượng giao dịch
Mục tiêu: Tận dụng các xu hướng và tín hiệu kỹ thuật để xác định thời điểm mua vào hoặc bán ra, thường trong ngắn hạn.
Phân tích định lượng (Quantitative Analysis)
Phương pháp này dựa trên giả định rằng giá cổ phiếu có mối quan hệ với các biến số định lượng như: chỉ số tài chính của doanh nghiệp, giá của các mặt hàng thay thế, các chỉ số kinh tế vĩ mô,… Bằng cách ứng dụng phân tích thống kê và lượng lớn dữ liệu, nhà giao dịch có thể xây dựng mô hình định lượng mối quan hệ này, từ đó cung cấp dự báo về giá cổ phiếu cho tương lai. Khác với trường phái phân tích kỹ thuật sử dụng hình ảnh của giá và khối lượng, tương đối dễ tiếp cận với nhà giao dịch cá nhân, trường phái phân tích định lượng đòi hỏi nhà giao dịch phải có hiểu biết về nhiều lĩnh vực: tài chính, thống kê, lập trình,… để xây dựng và điều chỉnh mô hình theo thời gian. Bên cạnh đó nhà giao dịch cũng cần bỏ ra một lượng chi phí lớn để tiếp cận với những nguồn dữ liệu tài chính phục vụ cho mô hình của mình. Đây là những rào cản khiến cho trường phái này thường chỉ được sử dụng bởi các quỹ đầu tư và các nhà quản lý quỹ.
Các yếu tố chính trong phân tích định lượng:
- Mô hình toán học
- Phân tích thống kê
- Dữ liệu lớn và thuật toán máy học
Mục tiêu: Tìm ra các mối quan hệ giữa các biến số tài chính và giá cả để tạo ra các chiến lược đầu tư dựa trên số liệu thực nghiệm.
Vì sao chúng ta nên chọn phân tích kỹ thuật?
Trong vị trí là một nhà giao dịch mới tham gia thị trường, chưa được tiếp cận với những kiến thức tài chính đầy đủ, cách tốt nhất và vẫn đem lại hiệu quả giao dịch là bắt đầu theo đuổi trường phái phân tích kỹ thuật. Bởi vì như đã nói ở trên, trường pháp phân tích kỹ thuật tương đối dễ tiếp cận và nhà giao dịch có thể ứng dụng ngay những gì mình học được vào những quan sát thị trường. Những chiến lược cơ bản, đơn giản đôi khi tỏ ra đặc biệt hiệu quả, mang lại tỷ suất sinh lời lớn hơn cả những phép phân tích phức tạp. Tuy nhiên việc theo đuổi những chiến lược này trong dài hạn đòi hỏi nhà giao dịch trang bị cho bản thân những yếu tố tâm lý cực kỳ quan trọng (sẽ được trình bày ở các chương sau). Thứ hai, thị trường có tính chất tự củng cố, trường phái nào càng được sử dụng nhiều trên thị trường thì những quyết định do chúng mang lại lại càng hiệu quả hơn. Hiện tại phân tích kỹ thuật là trường phái phổ biến nhất trên thị trường và hầu như nhà giao dịch nào cũng sử dụng, kể cả khi họ tự xem mình là một nhà giao dịch theo trường phái phân tích cơ bản.