Giới thiệu về biểu đồ nến Nhật

Trong trường phái phân tích kỹ thuật, dữ liệu về giá được biểu diễn dưới dạng biểu đồ. Dựa trên biểu đồ giá, các nhà giao dịch áp dụng lên nó những phép phân tích khác nhau và thiết lập chiến lược giao dịch để có thể kiếm lợi nhuận. Nhiều loại biểu đồ phân tích kỹ thuật đã được phát triển, bao gồm: biểu đồ đường, biểu đồ thanh, biểu đồ Point&Figure,… và biểu đồ nến Nhật - biểu đồ phổ biến bậc nhất ngày này mà hầu hết các nhà giao dịch đều sử dụng. Biểu đồ nến Nhật trở nên phổ biến bởi tính hiệu quả, đơn giản và dễ sử dụng mà nó mang lại. Mỗi nến giá được cấu thành từ những mức giá quan trọng trong một khoảng thời gian (khung thời gian), thường là một ngày, bao gồm:

  • Giá mở cửa: mức giá tại thời điểm bắt đầu khung thời gian. Ví dụ: mức giá đầu ngày, đầu tuần, đầu tháng,…
  • Giá đóng cửa: mức giá tại thời điểm kết thúc khung thời gian
  • Giá cao nhất: mức giá cao nhất trong khung thời gian
  • Giá thấp nhất: mức giá thấp nhất trong khung thời gian

Phần hình chữ nhật của cây nến được gọi là thân nến, nó đại diện cho sự thay đổi giữa giá mở cửa và giá đóng cửa. Nếu một cây nến có mức giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa, đó là một cây nến tăng và thường có màu xanh lá (hoặc màu trắng). Ngược lại, nếu một cây nến có mức giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa, đó là một cây nến giảm và thường có màu đỏ (hoặc màu đen). Màu sắc của nến có thể coi là một đặc trưng làm nên tên tuổi của biểu đồ nến Nhật so với các lại biểu đồ khác. Hai đường mảnh phía trên và phía dưới của nến được gọi là râu nến (hay còn gọi là bóng nến), đại diện cho những mức giá cực trị trong khung thời gian quan sát. Đỉnh của râu nến phía trên là mức giá cao nhất trong khung thời gian, đáy của râu nến phía dưới là mức giá thấp nhất trong khung thời gian.

Nhà giao dịch không quá khó khăn để đọc thông tin từ mỗi nến giá và có thể phần nào hình dung ra những biến động của giá trong khoảng thời gian đó. Một cây nến nếu có hai râu rất dài và tương đương nhau với một phần thân mỏng (gần như không có) có thể hàm ý một khoảng thời gian giao dịch đầy biến động (giá bị đẩy đến những mức giá cao nhất và thấp nhất rất xa nhau) nhưng lại kết quả cuối cùng lại ở mức cân bằng (giá mở cửa và đóng cửa bằng nhau), cảnh báo sự dịch chuyển mạnh mẽ của giá cổ phiếu sau khi điểm cân bằng bị phá vỡ. Mặc dù việc diễn giải những thông điệp thị trường từ biểu đồ nến rất hấp dẫn, nó cần được thực hiện một cách thận trọng và bao quát để tránh những thiên lệch do cảm xúc và niềm tin sẵn có của nhà giao dịch (chúng ta thường diễn giải sự việc theo hướng ủng hộ niềm tin của chúng ta). Theo tôi, cách tốt nhất là sử dụng những thông điệp này như một thành phần bổ sung cho một hệ thống giao dịch khách quan hơn, thay vì sử dụng như thành phần chính để ra quyết định đầu tư.

So sánh biểu đồ nến Nhật và biểu đồ thanh

Biểu đồ nến Nhật và biểu đồ thanh có nhiều điểm giống nhau, nhất là trong cách thức xây dựng nến và thanh đều sử dụng những thông tin về giá giống nhau. Tuy nhiên, biểu đồ nến Nhật lại có ưu thế hơn biểu đồ thanh trong việc biểu diễn chuyển động giá dưới dạng hình ảnh. Trước đây, khi các nhà giao dịch còn biểu diễn biến động giá trên giấy, việc vẽ màu còn hạn chế, thì các biểu đồ thanh không giúp ích trong việc xác định hướng đi của giá bằng biểu đồ nến Nhật.

Biểu đồ nến Nhật dễ dàng biểu diễn sự khác biệt giữa khoảng thời gian giá tăng và giá giảm

Trong khi biểu đồ thanh gây khó cho nhà giao dịch

Ngoài ra, chính cách hiển thị dạng cột nến gồm thân dày và hai râu của biểu đồ nến Nhật đã khiến nó trở nên trực quan và thú vị hơn biểu đồ thanh. Hình dưới là cùng một dữ liệu về giá được biểu diễn bằng đồ thị thanh và đồ thị nến:

Đồ thị nến Nhật nổi bật và giúp nhà giao dịch nhận diện và tập trung hơn vào những vùng giá biến động bất thường.

Đồ thị thanh vẫn đầy đủ thông tin nhưng lại không tạo ấn tượng khác biệt giữa các vùng, các khoảng biến động giá.

Một số nhà giao dịch cho rằng hình ảnh như thế nào không quan trọng, bởi những phép phân tích không phụ thuộc vào hình ảnh. Tuy nhiên một biểu đồ giá trực quan và sống động sẽ giúp chúng ta nhận ra và ấn tượng ngay những tín hiệu đặc biệt trên thị trường (hãy thử quan sát và chỉ ra những nến có hình dạng đặc biệt trên biểu đồ nến và so sánh với hình dạng của chúng trên biểu đồ thanh)